Giảm nguy cơ tai nạn bằng cách nhận biết và xử lý điểm mù trên ô tô
Điểm mù là một khu vực không thể quan sát được khi lái xe ở tư thế bình thường, bao gồm cả khi sử dụng gương chiếu hậu.
Giảm nguy cơ tai nạn bằng cách nhận biết và xử lý điểm mù trên ô tô
Điểm mù là một khu vực không thể quan sát được khi lái xe ở tư thế bình thường, bao gồm cả khi sử dụng gương chiếu hậu.
Cách nhận biết và xử lý điểm mù trên ô tô
Điểm mù trên ô tô là gì?
Điểm mù là khu vực bên ngoài xe bị che khuất, nằm ngoài tầm nhìn của lái xe. Vì vậy, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ... cần hết sức cẩn trọng và không đi gần, đi phía trước đầu xe hoặc sát hai bên thành xe, vì có thể rơi vào "điểm mù" của người lái. Đặc biệt, khi di chuyển trên các đoạn đường cong, cua hoặc cần chuyển hướng, xe mô tô và xe thô sơ nên giảm tốc độ, nhường đường để đảm bảo an toàn cho mình và người tham gia giao thông khác.
Điểm mù là tình huống có thể khiến người điều khiển xe không thể nhìn thấy được các phương tiện đang di chuyển cùng làn hoặc khác làn từ phía sau, những chiếc xe đang chạy cắt qua giao lộ, gây nguy hiểm khi rẽ hoặc chuyển làn do không thể chủ động quan sát để xử lý tình huống.
Điểm mù là một trong những yếu tố gây khó khăn đối với lái xe và cần được triệt tiêu thông qua kỹ năng lái xe. Điều này là cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến an toàn giao thông, có thể dẫn đến va chạm hoặc tai nạn nghiêm trọng. Điểm mù sẽ tăng theo kích thước của xe, vì xe càng lớn thì khối lượng che khuất cũng tăng theo, làm cho việc quan sát trở nên khó khăn hơn.
Vị trí điểm mù đáng chú ý khi điều khiển ô tô
Đây là những vùng không thể nhìn thấy từ ghế lái của xe, ngay cả khi sử dụng gương chiếu hậu. Nhiều yếu tố gây ra vùng mù như thiết kế xe với ghế cao, kính nhỏ hoặc chiều cao của tài xế.
Trong các loại phương tiện giao thông trên bộ, xe tải lớn như container có vùng mù lớn nhất. Tùy thuộc vào từng loại xe và kích cỡ của nó, mỗi loại sẽ có vùng mù khác nhau. Các xe ô tô không mui hai chỗ ngồi nhỏ hay xe hatchback có vùng mù nhỏ nhất. Trái lại, các xe bán tải (pickup truck) lại có vùng mù dài nhất.
Vùng mù này thường bao gồm 4 khu vực: phía trước, phía sau và hai bên xe ô tô. Khi ở phía trước, vùng mù có thể kéo dài từ 6m đến 7,6m, còn phía sau có thể lên tới 61m (tương đương hơn 15 chiều dài thân xe sedan), còn hai bên lại càng mở rộng hơn, tới tận mép đường. Điều này chính là lý do tại sao nên tránh đi gần các xe container lớn, bởi tài xế của xe container có thể không nhận thấy sự có mặt của bạn trong vùng mù đó.
Điểm mù gương chiếu hậu không bao quát hết
Điểm mù nằm ở vùng phản chiếu của hai gương chiếu hậu hai bên hông xe. Đây là khu vực khiến nhiều người quan sát không rõ ràng và có thể dẫn đến việc nghĩ rằng khoảng đường phía bên trái hoặc phải đang trống, từ đó tạo điều kiện cho việc chuyển làn đường. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm, vì nhiều tai nạn xảy ra do không quan sát kỹ vùng mù, đặc biệt khi xe đang di chuyển với tốc độ cao.
Do đó, khi tài xế muốn thực hiện các thao tác như chuyển làn, sang đường, hoặc quay đầu, họ nên điều khiển xe ở tốc độ chậm và quan sát kỹ hai bên, hoặc thậm chí ngoài đầu và nhìn (dưới 3 giây) để có tầm quan sát tốt nhất. Điều này giúp họ phòng tránh va chạm với các xe khác đang ở trong điểm mù.
Một biện pháp an toàn khác là lắp một gương cầu nhỏ ở góc trái của gương chiếu hậu để tăng khả năng quan sát vùng mù.
Điểm mù trước đầu xe ô tô
Điểm mù phía trước thường xuất hiện ở những chiếc xe thiết kế gầm cao như SUV, xe bán tải, xe tải... Mặc dù gầm cao mang lại tầm nhìn phía trước tốt, nhưng ca-pô cao cũng làm gia tăng phạm vi điểm mù phía mũi xe. Những điểm mù dạng này thường gây nguy hiểm khi xe di chuyển chậm trong khu dân cư có trẻ em.
Vì vậy, người lái cần tập trung quan sát vùng an toàn phía trước khi chuyển hướng hay di chuyển xe. Đối với những tài xế chuyển từ xe sedan sang SUV, cần thay đổi cảm nhận về điểm mù giữa hai loại xe này.
Đặc biệt, khi di chuyển qua các góc cua tay áo nếu không có gương cầu cảnh báo bên đường, các tài xế nên sử dụng còi để phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi vào cua. Hành động này giúp thông báo vị trí xe cho các phương tiện khác trong tầm nhìn và đảm bảo an toàn khi di chuyển qua khu vực có điểm mù.
Điểm mù phía sau xe ô tô
Điểm mù này chính là vùng không gian ở phía cửa sau không thể quan sát bằng mắt thường cũng như qua gương hậu. Đây là khu vực có điểm mù lớn nhất khi ngồi vào vị trí lái xe, và nó kéo dài đến vài mét phía sau xe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn lùi xe, đặc biệt là các va chạm vào trẻ em hoặc cột, đá tảng...
Để đảm bảo an toàn trong mọi tình huống, việc trang bị camera lùi hoặc cảm biến lùi là cách tốt nhất.
Trước khi lùi xe, người lái cần kiểm tra kỹ vùng an toàn phía sau bằng cách quan sát trực tiếp qua kính chiếu hậu và xoay đầu để nhìn tổng quan khu vực lùi. Đặc biệt, khi lùi xe trong khu vực có dân cư hay có trẻ em, người lái nên thận trọng và chậm lại để đảm bảo không gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.
Những điểm mù khác
Ngoài những điểm mù phổ biến đã được đề cập, còn một số điểm mù khác không gây quá nhiều nguy hiểm nhưng cũng đáng để tài xế lưu ý.
Vùng sát xung quanh xe: Khi tiến hoặc lùi xe, có một vùng hẹp ngay sát trước và sau xe mà tài xế không thể nhìn thấy, ngay cả khi trang bị camera tiến hoặc lùi. Điều này đặc biệt quan trọng khi đỗ xe hoặc di chuyển gần các vật cản như tường, cột, hoặc xe khác.
Phần bị gương chiếu hậu che khuất: Mặc dù gương chiếu hậu hữu ích trong việc quan sát, nhưng có thể có một số vùng bị che khuất, đặc biệt là ở góc xa và dưới của gương. Do đó, tài xế cần cẩn thận và thường xuyên kiểm tra các góc của gương chiếu hậu để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ điều gì.
Phần dưới gầm: Đây là một khu vực "mù" thực sự vì không thể nhìn thấy từ ghế lái, và hiện tại chưa có xe nào trang bị camera để soi gầm. Vì vậy, khi di chuyển, tài xế nên tránh những vật cản có thể ẩn trong phần dưới gầm như đá, cống, hoặc chướng ngại vật khác.
Phần trên nóc: Với các phương tiện di chuyển theo phương ngang và song song với mặt đường, phần trên nóc không ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như khi đi qua các khu vực có dây điện hoặc cành cây cao trên cao, tài xế cần đặc biệt cẩn thận để tránh va chạm không mong muốn.